Mọi thứ về Phẫu thuật tháo nẹp vít xương cẳng chân
Phẫu thuật nẹp vít xương cẳng chân là một trong các phương pháp dùng để cố định xương gãy ở cẳng chân. Vậy khi đã mổ đặt nẹp thì có cần tháo nẹp ra khi xương đã lành hay không? Phẫu thuật tháo nẹp vít xương cẳng chân được thực hiện sau bao lâu? Chi phí mổ tháo nẹp là bao nhiêu?
Sau bao lâu cần mổ tháo nẹp vít cẳng chân?
Nẹp cẳng chân là một thanh kim loại được chế tạo đặc biệt dùng để cố định đoạn xương gãy, giúp xương mau lành hơn. Thời gian lành trung bình đối với kết xương bằng nẹp là từ 1.5 năm đến 2 năm.
Khi đảm bảo xương đã lành vững chắc lúc đó nẹp không còn tác dụng nữa. Đó là lúc có thể lấy nẹp ra khỏi cơ thể. Để chắc chắn xương đã lành Bác sĩ có thể cần khám trực tiếp và chụp phim X quang để kiểm tra tình trạng lành xương. Đối với kết hợp xương bằng đinh đinh nội tủy ( chỉ áp dụng cho xương chày ở cẳng chân), thời gian lấy nẹp ra có thể ngắn hơn khoảng sau 1 năm đóng đinh.
Đinh nẹp nếu để càng lâu trong cẳng chân thì xương sẽ bám chặt ôm lấy nẹp và các mô xơ sợi sẽ tạo ra càng nhiều bao lấy nẹp. Khiến cho việc để càng lâu thì càng khó lấy. Nếu để lâu can xương tạo nhiều, lấy ra cần phải đục phá can. Và khi thực hiện thủ thuật này có nguy cơ làm gãy xương lại. Đó là lí do tại sao việc khám và theo dõi định kì sau phẫu thuật đặt nẹp vít cẳng chân là vô cùng quan trọng.
Không phẫu thuật lấy đinh nẹp ra khi xương đã lành được không? Để trong người luôn được không?
Thanh nẹp được đặt vô cẳng chân mục đích chính là giúp xương nhanh lành, khi nó không còn tác dụng nữa thì nên loại bỏ ra ngoài cơ thể. Vì dẫu sao thì nẹp là một dụng cụ ngoại lai, lạ so với cơ thể. Nên cơ thể sẽ luôn tìm cách để tạo phản ứng lại các dụng cụ nẹp hay đinh. Bệnh nhân có thể cảm thấy dị cảm vùng cẳng chân, đau nhức khi thay đổi thời tiết. Triệu chứng đau buốt là triệu chứng than phiền thường gặp nhất ở bệnh nhân đặt nẹp cẳng chân.
Các nhược điểm khác có thể gặp khi để nẹp lâu trong người:
- Nẹp bị trồi ra ngoài da
- Có nguy cơ nhiễm kim loại nặng ( có thể xảy ra nhưng rất thấp)
- Không thể chụp MRI vì chống chỉ định đối với chụp MRI là có kim loại trong người
- …
Để trong người luôn được không?
Một số người vẫn có thể sống chung hoà bình với các dị vật kim loại trong cơ thể, dễ thấy nhất là những binh sĩ sau chiến tranh có mảnh đạn trong người. Nẹp cẳng chân cũng vậy, có một số người vẫn để lại nẹp trong người và sống chung với nó. Nhưng họ đôi khi vẫn phải chịu đựng những khó chịu xảy ra khi thay đổi thời tiết: đau nhức, dị cảm.
Ở bệnh nhân cao tuổi và kèm nhiều bệnh lý nền không kiểm soát như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, gan thận chức năng không tốt. Thì có chống chỉ định cho việc phẫu thuật tháo nẹp vít xương cẳng chân. Cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của việc tháo nẹp ra ngoài và giữ nẹp lại trong cơ thể. Việc đối mặt với các nguy cơ khi gây tê gây mê trong khi phẫu thuật có thể làm bệnh nhân tử vong. Trái lại việc để nẹp trong cẳng chân mà không gây biến chứng nặng nề gì thì thì cần phải chấp nhận sống chung với những khó chịu gặp phải.
Sau khi lấy đinh, nẹp cẳng chân ra thì bao lâu xương sẽ lành hẳn
Xin lưu ý lại là chỉ thực hiện mổ tháo nẹp vít xương cẳng chân khi xương đã lành. Đó là lí do tại sao khi tháo nẹp vít ra người bệnh có thể trở lại sinh hoạt bình thường ngay. Tháo nẹp vít hoàn toàn không ảnh hưởng đến xương cẳng chân.
Nhưng việc tháo nẹp sẽ phải mở da và bệnh nhân có thể đau vết mổ trong 3-5 ngày đầu. Bệnh nhân hoàn toàn đi lại bình thường như lúc trước khi mổ tháo nẹp.
Một số lưu ý sau khi tháo nẹp đó là bệnh nhân không nên làm việc khuân vác nặng trong khoảng 2 đến 3 tháng đầu sau tháo nẹp. Để đảm bảo xương cẳng chân có thời gian thích nghi với cơ thể khi đã không còn nẹp chống đỡ. Việc làm việc hay chịu tải quá nặng có nguy cơ bị gãy xương lại sau tháo nẹp.
Chi phí phẫu thuật tháo nẹp vít xương cẳng chân là bao nhiêu?
Giống với chi phí mổ lấy nẹp vít xương đòn :
Chi phí mổ lấy nẹp vít = chi phí phẫu thuật + tiền nằm viện trong thời gian mổ
Tháo nẹp là loại phẫu thuật không phải cấp cứu mà chỉ là loại phẫu thuật thông thường nên cần thực hiện lên lịch mổ chương trình. Bạn có thể cần phải làm các xét nghiệm máu trước mổ, khám tiền mê và chờ lên lịch mổ.
Chi phí trung bình cho phẫu thuật lấy nẹp vít cẳng chân từ 8-10 triệu đồng. Bảo hiểm Y tế chi trả 80%-100% nếu như bạn mổ đúng tuyến với bệnh viện bạn đăng kí khám chữa bệnh ban đầu.
Đối với bệnh viện tư nhân chi phí này có thể cao hơn. Công thức tính chi phí cũng là công thức trên nhưng tiền phẫu thuật cao hơn và tiền giường, tiền điều trị, chăm sóc ( tiền nằm viện) cao hơn so với bệnh viện công. Tuỳ thuộc vào loại giường và phòng bạn chọn thì giá phẫu thuật có thể tăng lên. Giá tiền phòng từ 1 triệu – 6 triệu / giường/ ngày. Do vậy mà chi phí trung bình phẫu thuật tháo nẹp cẳng chân từ 20-30 triệu đồng.
Mổ ở bệnh viện tư bạn nên mua 1 loại bảo hiểm sức khoẻ của công ty bảo hiểm tư nhân. Bạn cần hỏi kĩ nhân viên tư vấn trước về việc bạn phẫu thuật loại đó có được chi trả lại hay không.
Quy trình thực hiện phẫu thuật tháo nẹp vít như thế nào?
1⃣ làm hồ sơ nhập viện. Nhập khoa Chấn Thương Chỉnh Hình
2⃣ làm xét nghiệm máu trước mổ
3⃣ chờ lên lịch mổ chương trình,
4⃣ khám tiền mê và gây tê tuỷ sống hoặc gây mê toàn thân.
5⃣ Phẫu thuật lấy nẹp
6⃣ Nằm hậu phẫu sau khi mổ
7⃣ Đưa trở về lại khoa Chấn Thương Chỉnh Hình nằm theo dõi
8⃣ Làm thủ tục xuất viện sau thời gian theo dõi 2-3 ngày.
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến phẫu thuật tháo nẹp vít xương cẳng chân . Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Văn Quỳnh.
Nếu còn thắc mắc hãy bình luận vào phía dưới Bác sĩ sẽ trả lời. Hoặc bạn có thể chát zalo miễn phí trực tiếp với Bác sĩ 24/7 tại đây:
Nhắn ngay!
Nguồn bài viết: Mọi thứ về Phẫu thuật tháo nẹp vít xương cẳng chân
Xem bài viết gốc Mọi thứ về Phẫu thuật tháo nẹp vít xương cẳng chân
tại đây https://drquynh.com/moi-thu-ve-phau-thuat-thao-nep-vit-xuong-cang-chan/
Nhận xét
Đăng nhận xét